Với chính sách hiện hành thì doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi triển khai dự án điện mặt trời mái nhà vì khả năng thu hồi vốn không cao. Ngoài ra, còn nhiều bất cập, vướng mắc về chính sách gây bất lợi cho nhà đầu tư vẫn chưa được cơ quan chức năng tháo gỡ.
Thông tin này được ghi nhận tại tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển” diễn ra chiều 22-6 tại TPHCM. Sự kiện do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) tổ chức.
Theo ông Trần Ngọc Long, Giám đốc phát triển kinh doanh CME Sola, nếu doanh nghiệp có dòng tiền nhàn rỗi lớn, thì có thể tự đầu tư. Nếu không, không nên đi vay tiền để đầu tư vì so với tỉ suất sinh lời của điện mặt trời với lãi suất ngân hàng thì phần lợi ích thu lại cho DN là không đáng để triển khai.
Từ quan điểm này, ông Long cho rằng doanh nghiệp không nên tự đầu tư điện mặt trời để sử dụng vì sẽ mất thời gian và nhiều rủi ro, thay vào đó nên chọn cộng tác với các nhà đầu tư về năng lượng tái tạo.
Hiện nay do công tác quản lý nhà nước về điện lực không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển nhanh của các nguồn điện năng lượng sạch nói chung và điện mặt trời nói riêng nên Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ cho phép phát triển các dự án điện mặt trời tự dùng, có phụ tải tại chỗ mà không cho phát lên lưới điện quốc gia (zero export).
Do đó, ông Đào Du Dương, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TPHCM, cho rằng nếu doanh nghiệp tự đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà thì khả năng thu hồi vốn rất khó khăn. Giá nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị tăng cao và lãi suất ngân hàng không giảm là nguyên nhân khiến doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn do không được khuyến khích như trước.
Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng vẫn còn nhiều trở ngại mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà cung ứng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà đang gặp vướng mắc như về giấy phép, hồ sơ an toàn về phòng cháy chữa cháy… dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Ông Đào Du Dương liệt kê ra các vướng mắc lớn như các quy định điều kiện lắp đặt cho điện mặt trời vẫn chưa rõ ràng. Theo ông, hiện nay những thẩm định về tiêu chuẩn, tính hợp pháp là vẫn chưa rõ và đa phần mang tính tự phát. Điều đó dẫn đến chi phí thẩm định lớn, ước tính khoảng từ 300-500 triệu đồng.
Vấn đề thủ tục thiếu tính nhất quán và quy định xuyên suốt khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Ông Dương cho biết chi phí để thực hiện hồ sơ cấp phép không phải là nhỏ nhưng hiện nay mỗi nơi, mỗi địa phương làm khác nhau. Một số doanh nghiệp vẫn còn lúng túng do vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi lập hồ sơ an toàn phòng cháy chữa cháy cho dự án.
Về vấn đề nghiệm thu dự án, ông Dương đề xuất chỉ nên định kỳ có đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra, đưa ra các ý kiến, kiến nghị để doanh nghiệp đỡ phải thực hiện các thủ tục nhiêu khê như hiện nay. Cơ quan quản lý cũng nên có đầu mối, đường dây nóng để nhận ý kiến và đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Dương lưu ý về vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là việc xử lý các tấm pin đã hết hạn sử dụng và cho rằng đây sẽ là một vấn đề lớn trong tương lai gần.