Trong những năm qua, nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, phản ánh xu hướng vận hành chung của thị trường lao động.
Đồng thời cho thấy một số đặc điểm biến đổi so với trước đây bởi tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự thay đổi trong công nghệ kỹ thuật số hay sự chuyển đổi ngành nghề, để phù hợp thị trường lao động đang phát triển và hội nhập…
Từ đó, lao động tay nghề cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp:
- Năng lực nghề nghiệp (am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, dễ đào tạo nâng cao...);
- Kỹ năng đặc biệt, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hài hòa áp lực công việc;
- Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động;
- Hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ bao gồm công nghệ thông tin;
- Sử dụng tốt 01 ngoại ngữ;
- Hiểu biết cụ thể về pháp luật và thị trường lao động;
Và mở ra 06 xu hướng việc làm trong điều kiện thị trường lao động phát triển:
- Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế;
- Khu vực kinh tế phi chính thức (lao động tự do các nhóm ngành dịch vụ, phục vụ và tiểu thủ công nghiệp);
- Xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài;
- Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế và quốc gia và hội nhập;
- Khởi nghiệp
- Khởi sự kinh doanh, tự tạo việc làm.
Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao cũng cần có những năng lực cốt lõi, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ số.
Song song đó, các tiêu chí nhân lực chất lượng cao mang tính quốc tế cần phải: đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi ra trường, thích nghi nhanh - dễ chuyển đổi điều kiện công việc, dễ đào tạo nâng cao, kỹ năng mềm, ngoại ngữ thành thạo, năng suất lao động cao…
Đặc biệt, là những kỹ năng mềm về nhận thức, tư duy phản biện, sáng tạo ý tưởng, ra quyết định đúng đắn trong nhiều môi trường thử thách, biến động…
Nhìn chung, sự kết hợp của công nghệ kỹ thuật số, vật chất và sinh học không chỉ tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động, mà còn hội tụ tất cả các kỹ năng xã hội và sáng tạo.
Mới đây, bên cạnh công bố 10 kỹ năng hàng đầu cho năm 2025 của Diễn đàn kinh tế thế giới, cho thấy có nhiều điểm khác biệt so với năm 2020. Trong đó, 5 kỹ năng thuộc nhóm giải quyết vấn đề, 2 kỹ năng thuộc nhóm tự quản lý, 2 kỹ năng thuộc nhóm sử dụng và phát triển công nghệ và 1 kỹ năng tương tác.
Như vậy, theo dự báo này, đến năm 2025 sẽ tập trung chủ yếu vào các kỹ năng tự quản lý và giải quyết vấn đề thông qua nền tảng công nghệ.
Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. HCM)