Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đang đến gần. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử là vấn đề được đặt ra nhằm loại bỏ hiện tượng này tại các hội đồng thi.
Thượng tá Đỗ Thái Huy - Phó Trưởng phòng An ninh thông tin mạng, Cục A05 (Bộ Công an) chia sẻ cách nhận diện và một số phương pháp phát hiện gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.
“Điểm danh” các thiết bị
Trao đổi về các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang, Thượng tá Đỗ Thái Huy chia sẻ, đặc điểm của các thiết bị này là được thiết kế có hình dạng bên ngoài giống các đồ vật thông dụng, hoặc được thiết kế nhỏ gọn, gắn vào các đồ vật thông dụng.
Các thiết bị có khả năng hoạt động độc lập, tự động, điều khiển từ xa, hoặc hoạt động theo sự điều khiển trực tiếp từ người sử dụng và có thể hoạt động trong thời gian dài, từ 2 tiếng tới hàng tuần. Đồng thời, có khả năng ghi âm, ghi hình và truyền tin với chất lượng cao.
Theo Thượng tá Đỗ Thái Huy, một số thiết bị ghi hình, ghi âm ngụy trang như: Camera ngụy trang hỗ trợ kết nối với wifi, thiết bị phát sóng wifi sử dụng sim, thẻ điện thoại, phần mềm cài đặt trên điện thoại. Những thiết bị này có thể xem, nghe trực tiếp hình ảnh, âm thanh trên thiết bị từ xa. Một số phần mềm hỗ trợ các thiết bị ghi hình, ghi âm ngụy trang như:
Kính ngụy trang thiết kế với những đường viền nhỏ chạy xung quanh, khi đeo có thể quay phim, chụp ảnh theo hướng nhìn camera, được bố trí gắn ở cạnh kính như một điểm ốc vít, nên khó có thể phát hiện được.
Hoặc thiết bị ghi hình ngụy trang ở dạng bút, có thể quay, thu âm chụp ảnh tương tự như kính mắt ngụy trang. Thiết bị này hỗ trợ lưu hình ảnh, âm thanh ở trên thẻ nhớ hoặc trên server của các ứng dụng, tùy thuộc vào các phần mềm ứng dụng tương thích với từng thiết bị.
Đối với thiết bị ghi hình ngụy trang dạng thắt lưng, tính năng tương tự như kính mắt ngụy trang, bút ngụy trang… Thiết bị được thiết kế để hỗ trợ mang vào phòng thi, khiến giám thị rất khó phát hiện.
Ngoài ra, còn có thiết bị ghi hình ngụy trang dạng khuy áo, thiết bị ghi hình ngụy trang dạng dây đeo cổ và thiết bị ghi hình ngụy trang dạng đồng hồ đeo tay... Đây là những vật dụng thông thường của người sử dụng, rất khó có thể phát hiện được.
Chẳng hạn, với thiết bị tai nghe siêu nhỏ ở một thiết bị lắp sim siêu nhỏ để hỗ trợ cuộc gọi. Thiết bị hỗ trợ này được ngụy trang dưới nhiều dạng vật dụng nên dễ dàng đưa vào phòng thi. Thiết bị lắp đặt thẻ sim, hỗ trợ cuộc gọi có thể tự động bắt máy khi có cuộc gọi tới. Với thiết bị tai nghe siêu nhỏ có kích thước 6mm x 10mm; thậm chí có những loại được thiết kế tinh vi, siêu nhỏ dưới dạng hạt chỉ khoảng 2mm, được cấy trực tiếp vào trong tai. Thời lượng hoạt động của các thiết bị tai nghe siêu nhỏ có thể lên tới 20 tiếng.
Ngoài ra, còn có những thiết bị khác được thiết kế gắn vào trong thẻ ATM để tiếp sóng cuộc gọi và có thể được ngụy trang dưới nhiều dạng khác nhau. Nhưng quy tắc hoạt động chung của nhóm thiết bị này là thiết kế để lắp đặt được sim thẻ; thiết bị này sẽ tự động tiếp nhận các cuộc gọi đến từ bên ngoài và truyền tín hiệu lên tai nghe siêu nhỏ, đã đặt trong tai của người dùng…
Cách phát hiện bằng mắt thường
Về nguyên lý hoạt động của các thiết bị ghi hình, ghi âm ngụy trang; Thượng tá Đỗ Thái Huy cho biết, các thiết bị này được triển khai và hoạt động tại nơi địa điểm cần thu thập thông tin.
Hoạt động thu truyền thông tin có thể là offline hoặc online tùy theo mục đích của người sử dụng. Những vật hệ thống thu thập truyền thông tin đầy đủ sẽ gồm 3 khối: Thiết bị thu phát như: Camera, thiết bị ghi âm. Sau đó, truyền tới thiết bị trung gian có gắn sim, thẻ có thể đặt trong khoảng cách dưới 30m để tiếp nhận thông tin. Thiết bị này sẽ truyền thông tin tới trung tâm xử lý, có thể ở nhà riêng, hoặc ở đâu đó nhận thông tin, để xử lý thông tin và truyền ngược trở lại tới tai nghe của thí sinh.
Phân tích về 3 khối thiết bị này, Thượng tá Đỗ Thái Huy chia sẻ: Trong trường hợp làm việc offline và làm việc online. Nếu trong phòng thi, thí sinh thu thập thông tin chụp ảnh gửi theo các thiết bị trung gian, ở bên ngoài trung tâm xử lý thông tin nhận được truyền ngược trở lại; đấy là đang hoạt động online.
Còn với trường hợp khác chỉ nhận thông tin và chuyển tới nơi khác, ví dụ tại địa điểm ra đề thi: Thiết bị thu sẽ chụp ảnh, ghi âm; sau đó được mang ra khỏi địa điểm cần xử lý thông tin và xử lý sau và không sử dụng đường truyền.
Trong các trường hợp này, trường hợp thí sinh sử dụng tai nghe và chỉ nhận thông tin là trường hợp khó phát hiện nhất. Với trường hợp này là đề thi đã bị lộ từ trước và trong quá trình thi, thí sinh chỉ có tai nghe trong tai và nhận truyền tin từ bên ngoài trung tâm truyền vào. Việc này phát hiện rất khó, vì đề thi có khả năng bị lộ từ trước và thí sinh chỉ nhận thông tin một chiều.
Theo Thượng tá Đỗ Thái Huy, có thể phát hiện các thiết bị này bằng mắt thường hoặc dùng các thiết bị hỗ trợ rà quét, thiết bị chặn phá sóng tại khu vực thi. Phát hiện bằng mắt thường là phương pháp chủ yếu và trên diện rộng tại các điểm thi, dựa vào những biểu hiện nghi vấn. Trường hợp dùng các thiết bị hỗ trợ rà quét và chặn phá sóng thì rất khó khả thi trên diện rộng.
Phân tích về phương pháp phát hiện bằng mắt thường, Thượng tá Đỗ Thái Huy trao đổi: Với những thí sinh có biểu hiện nghi vấn thì tâm lý sẽ tìm mọi cách để che giấu các hành vi của mình và luôn thụ động, có biểu hiện không tập trung làm bài thi, chờ các thông tin qua các thiết bị có thể giấu được ở trong người hoặc mang theo để thực hiện hành vi gian lận thi cử.
Với biểu hiện nghi vấn như vậy, chúng ta có thể phát hiện được. Chúng ta có thể gây sức ép, hoặc có thể là quan sát, tập trung nhìn vào các thí sinh này. Qua đó, cũng có thể vô hiệu hóa hoạt động sử dụng các thiết bị công nghệ cao của thí sinh để thực hiện gian lận thi cử.
Trong ba nội dung trên, Thượng tá Đỗ Thái Huy đặc biệt nhấn mạnh phương pháp phát hiện bằng mắt thường; đồng thời mong muốn các thầy cô giáo có cơ sở thông tin biết được phương thức hoạt động và các biểu hiện nghi vấn. Từ đó, chúng ta sẽ có điều kiện để phát hiện được những vi phạm gian lận thi cử (nếu có).