Dưới gốc nhìn tổng quan, theo các dự báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, có thể nhận định rằng thị trường lao động Việt Nam đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Thời điểm cuối năm 2023 và sau tết 2024, thị trường nhân lực có khả năng biến động ở các ngành dệt may, giày da, công nghệ, điện, chế biến thực phẩm, xây dựng, thương mai, dịch vụ…, khó khăn nhất là các doanh nghiệp đã cắt giảm lao động.
Vì vậy, tình trạng thừa, thiếu lao động cục bộ vẫn có thể xảy ra ở vài ngành thâm dụng lao động. Thực tế cho thấy, thị trường lao động phát triển theo các quy luật mới của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, hội nhập khu vực và quốc tế, có nhiều biến động về chênh lệch “cung - cầu”, số lao động không ổn định việc làm, mất việc làm, tái bố trí lại việc làm cũng rất lớn. Nhận định và phân tích các chỉ số đối với thông tin doanh nghiệp về tuyển dụng nhân lực cũng như nhu cầu của thị trường lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao, lao động tay nghề và lao động chuyên môn sẽ cần cho nhiều lĩnh vực mới.
Mất cân đối cung - cầu còn thể hiện ở tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường. Việc dịch chuyển nhanh chóng cơ cấu đầu tư đã đặt ra yêu cầu về nhân lực thay đổi, đòi hỏi cơ cấu nhân lực mới, trong khi đó cung lao động chưa chuyển dịch kịp thời.
Nhu cầu nhân lực hiện tại và tương lai yêu cầu chính là chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo xu hướng từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề kỹ thuật chuyên môn, lao động giản đơn trở nên yếu thế, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Bước vào giai đoạn phục hồi, các nền kinh tế ghi nhận xu hướng thị trường lao động mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mức trước khi kinh tế suy thoái.
Đồng thời, nguồn cung lao động giá rẻ bị suy giảm, tiền lương tăng lên trong bối cảnh khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, vượt bậc. Trước thực tế này, các nền kinh tế nói chung và các công ty đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, tự động hóa và mô hình làm việc mới để xử lý và vượt qua thách thức về vấn đề lao động. Xu hướng này tác động rất mạnh tới tăng năng suất lao động của nền kinh tế.
Khi đó, thị trường lao động được cơ cấu lại theo chiều hướng loại bỏ các công việc “lặp đi lặp lại” có quy trình đơn giản bằng những công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn. Đồng thời phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế và lực lượng lao động. Quá trình này là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, đòi hỏi thị trường lao động phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng công nghệ, AI và đổi mới sáng tạo.
Nguồn nhân lực số phải là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế. Tuy nhiên nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số.
Theo bài viết Báo Đại đoàn kết ngày 16/12/2023, “Nhận định về xu hướng thị trường lao động năm 2024, Navigos cho biết, xu hướng việc làm được người lao động quan tâm nhất trong năm 2023 sẽ kéo dài đến năm 2024 là làm việc linh hoạt. Đặc biệt, mối quan tâm về sức khỏe tâm thần cũng được ghi nhận khi cân bằng giữa công việc và cuộc sống đứng thứ hai. Các yếu tố khác bao gồm làm việc từ xa, sử dụng AI và trao quyền cho người lao động. Các vị trí công việc mới cũng sẽ dần xuất hiện, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, số hóa, phân tích dữ liệu và phân tích kinh doanh.
Theo các chuyên gia của Navigos, người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi... Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động...
Để thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt được tin tức kinh tế thị trường, xu hướng thị trường tuyển dụng và tâm lý của người lao động nhằm xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả.
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế lương - thưởng minh bạch và hấp dẫn; chú trọng vào lương như một yếu tố thu hút ứng viên khi tuyển dụng; đảm bảo các chính sách về lương, thưởng cho người lao động”.
Thời gian tới, theo góc nhìn và hướng giải pháp cụ thể của các nhà dự báo nhận định, kiến nghị, nhà nước và các ngành, các cấp hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
- Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, nhà nước và Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cùng với đó sẽ có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm.
- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp. Từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác để làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.
- Định hướng phát triển nguồn nhân lực tri thức đối với hoạt động của các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của sinh viên, học sinh người lao động, để phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp.
- Kết nối hiệu quả hệ thống thông tin thị trường lao động các tỉnh, thành phố, khu vực và Quốc gia để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động phù hợp với yêu cầu thực tế từng tỉnh, thành, khu vực và cả nước.
- Xây dựng và triển khai chương trình hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả của công tác thông tin thị trường lao động để xử lý tổng hợp lưu trữ và khai thác số liệu, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào lĩnh vực thông tin thị trường lao động như xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý nguồn nhân lực.