Khi chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định, nguồn lực con người là vô tận.
Theo Liên hợp quốc, “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Trong điều kiện xã hội đang chuyển sang nền kinh tế tri thức, thì các nhân tố công nghệ, vốn, nguyên vật liệu đang giảm dần vai trò, nhân tố tri thức của con người ngày càng chiếm vị trí quan trọng.
Nguồn nhân lực có tính năng động, sáng tạo và hoạt động trí óc của con người sẽ tạo lên những giá trị hữu ích trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Khi chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định.
Do đó, nhu cầu nhân lực hiện tại và tương lai yêu cầu chính là chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo xu hướng chuyển đổi từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề kỹ thuật chuyên môn, vì thế lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế.
Bước vào giai đoạn phục hồi, các nền kinh tế ghi nhận: xu hướng thị trường lao động mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mức trước khi kinh tế suy thoái. Đồng thời, nguồn cung lao động giá rẻ bị suy giảm, tiền lương tăng lên trong bối cảnh khoa học - công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, vượt bậc. Trước thực tế này, các nền kinh tế nói chung và các công ty đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, tự động hoá và mô hình làm việc mới để xử lý và vượt qua thách thức về vấn đề lao động. Xu hướng này tác động rất mạnh tới tăng năng suất lao động của nền kinh tế.
Song song đó, thị trường lao động được cơ cấu lại theo chiều hướng loại bỏ các công việc "lặp đi lặp lại" có quy trình đơn giản bằng những công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn, đòi hỏi phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế và lực lượng lao động. Quá trình tái cơ cấu này là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, đòi hỏi thị trường lao động phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cho phù hợp với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng công nghệ, AI và đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động.
Và như thế, nguồn lực con người là vô tận, công nghệ dù có tiên tiến và phát triển vượt bậc đến đâu, thì trí óc con người vẫn là điều tuyệt vời mà không một cỗ máy và Robot nào có thể thay thế được.
Trong thị trường lao động, nguồn nhân lực hiện nay và tương lai có tính toàn cầu, cạnh tranh là điều bắt buộc, cạnh tranh để sử dụng lao động và cạnh tranh để kiếm việc làm. Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về đạo đức.
Quan niệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): "Con người có nhu cầu sử dụng năng lực của mình để tiến tới có được việc làm hiệu quả, cũng như những thoả mãn về nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân. Sự lành nghề được hoàn thiện nhờ bổ sung nâng cao kiến thức trong quá trình sống, làm việc ".
Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế tri thức. Tốc độ đổi mới và trình độ ứng dụng tri thức quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Khoa học - Công nghệ trở thành động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sự phát triển của khoa học - công nghệ làm thay đổi mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục. Đồng thời đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải cung cấp được nguồn nhân lực có trình độ cao.
Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực số đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực như: Sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.