Việc các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tiếp tục mở rộng sản xuất đã giúp “rút ngắn” lượng vốn ngoại bị giảm sâu trong nửa đầu năm nay trong bối cảnh nhà đầu tư mới vẫn chưa đến nhiều.
Theo số liệu cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), trong nửa đầu năm nay, cả nước cấp phép được 752 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn đăng ký đạt trên 4,94 tỉ đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả này bị sụt giảm 6,5% số dự án và sụt giảm đến 48,2% về vốn đăng ký.
Điều này cho thấy nhà đầu tư mới có vẻ còn thận trọng trong chiến lược đầu tư do ảnh hưởng dịch bệnh và những bất ổn kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế việc sụt giảm dòng vốn đầu tư mới này không phải riêng ở Việt Nam. Bởi lẽ theo nhận định của UNCTAD, dòng vốn FDI toàn cầu vào năm 2022 được dự báo giảm hoặc đi ngang so với năm 2021. Môi trường toàn cầu đối với kinh doanh quốc tế và đầu tư xuyên biên giới đã thay đổi đáng kể trong năm 2022 do xung đột giữa Nga và Ukraine, trong khi thế giới vẫn phải đối mặt với tác động của đại dịch.
Cuộc xung đột này đang có những tác động vượt ra ngoài phạm vi lân cận, gây ra cuộc khủng hoảng trên ba lĩnh vực gồm lương thực, nhiên liệu và tài chính, với giá năng lượng và hàng hóa cơ bản tăng cao dẫn đến lạm phát và vòng xoáy nợ ngày càng trầm trọng. Sự không chắc chắn của nhà đầu tư và tình trạng rủi ro theo UNCTAD là có thể gây áp lực giảm đáng kể lên FDI toàn cầu vào năm 2022.
Tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song với những doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam lại tiếp tục điều chỉnh tăng thêm nhiều vốn đầu tư để mở rộng sản xuất.
Cụ thể trong cùng thời gian trên theo FIA, có 487 lượt doanh nghiệp FDI đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỉ đô la, tăng 65,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là một trong những lần hiếm hoi dòng vốn tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động vượt xa vốn đăng ký của nhà đầu tư mới trong cùng một thời gian.
Theo cơ quan xúc tiến đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn điều chỉnh nếu tính riêng từng tháng, ngoài tháng 3 và tháng 5 giảm thì các tháng còn lại đều tăng mạnh với mức tăng giao động từ 90% tới gần 4,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tuy chậm lại so với 5 tháng đầu năm song quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 6 tháng đầu năm.
“Vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao, một mặt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Mặt khác phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới”, theo nhận định của FIA.
Không chỉ vốn điều chỉnh tăng cao mà lượng góp vốn và mùa cổ phần doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm nay cũng tăng mạnh. Cụ thể cả nước có 1.707 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,27 tỉ đô la, tăng 41,4% so với cùng kỳ.
Nhờ đó, tính chung trong nửa đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỉ đô la, chỉ còn giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc xung đột Nga – Ukraine không có tác động trực tiếp đáng kể đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do đầu tư của Nga và Ukraine chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (chiếm 0,23% tổng vốn đầu tư) mà tác động gián tiếp thông qua giá cả tăng cao và gây đứt gẫy chuỗi cung ứng.
Và theo đánh giá của FIA, về trung và dài hạn, cuộc xung đột có thể dẫn đến xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Nga và Ukraine sang các nước Châu Á. Trong đó Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển này. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này vẫn chưa rõ ràng.