Sau ồn ào và nghi ngờ về sự thiếu minh bạch của một số tên tuổi trong giới showbiz, vừa có một “người của công chúng” tại TP Hồ Chí Minh “tung” 1.000 trang sao kê tài khoản từ thiện để tự chứng minh mình trong sạch. Nhiều cư dân mạng, nhất là các “fan cứng” của nghệ sỹ này bắt đầu bình luận phen này người mà họ hâm mộ, sẽ… thắng.
Tôi không bất ngờ khi nhiều người quan tâm đến câu chuyện thắng - thua trong chuyện này, bởi do trước đó có người thách đố với một số nghệ sỹ được bêu tên, nếu thắng thì sao và thua thì sao?. Tôi chỉ thật sự quan tâm đến minh bạch – yếu tố quan trọng hàng đầu của bất kỳ ai làm từ thiện.
Làm từ thiện là tự giác, không ai và không pháp luật nào ép buộc mình cả - đó là điều chắc, không bàn cãi nữa. Nghệ sỹ, hoa hậu, người của công chúng hay tất cả những ai có lòng trắc ẩn, muốn làm từ thiện đều được cả. Thấy người gặp thiên tai, dịch bệnh, khó, khổ quá, nếu mình có điều kiện hơn, hãy ra tay và kêu gọi người khác cùng đồng hành, đó là điều nên làm, lương tri bảo thế.
Sau những ồn ào giữa bà Nguyễn Phương Hằng với một số nghệ sỹ, ca sỹ, MC… những ngày qua, nhiều cư dân mạng đặt vấn đề, nếu cảm thấy có dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch của ai đó trong tiếp nhận, chi tiêu tiền của “bá tánh”, sao không viết đơn tố giác đến cơ quan bảo vệ pháp luật mà lại livestream rồi dùng đủ lời lẽ, kèm theo thái độ miệt thị, mạt sát người ta? Theo nguyên tắc pháp luật, bên tố cáo phải có trách nhiệm đưa ra chứng cứ tài liệu cho thấy dấu hiệu gian lận đó chứ không thể bắt người bị tố cáo chứng minh bản thân họ “sạch”. Làm từ thiện đã quá vất vả, thời gian đâu mà nghệ sỹ công bố sao kê?. Hơn nữa, người ta tự nguyện chuyển tiền đến chứ có phải do nghệ sỹ bắt buộc đâu? Nhận tiền đi làm từ thiện giúp, làm thay mình, mình không cảm ơn nghệ sỹ sao còn trách họ?
Những thắc mắc vừa kể nghe có phần nào hợp lý. Tôi cũng không tán thành cách nghĩ, cách làm của một số người hiện nay, đó là tự cho mình cái quyền quá lớn, livestream hàng giờ trên mạng xã hội, buông lời yêu cầu người nọ, người kia phải thế này, thế khác. Tuy nhiên, khi bóc tách mặt tích cực từ “trào lưu” mới này, tôi thấy cũng có điều hay hay. Sau các cuộc livestream ấy, nếu ví những bàn tán có vẻ mất trật tự của cư dân mạng là trận cuồng phong, thì sự minh bạch – yếu tố làm tăng thêm giá trị nhân cách của nghệ sỹ làm từ thiện, chính là điều quan trọng nhất, bởi chính điều đó quyết định độ vững chắc của nghệ sỹ đó sau khi “siêu bão” càn quét qua.
Tôi thử tự đặt mình vào vị trí nghệ sỹ làm từ thiện với tiêu chí tuân thủ trong sạch, rõ ràng, minh bạch. Một ngày đẹp trời, bỗng có ai đó nghi ngờ, mình sẽ làm gì và cảm thấy thế nào? Ấm ức, khó chịu thậm chí bực bội chắc chắc là cảm xúc đầu tiên. Tuy nhiên, tôi vẫn đủ bình tĩnh để kiềm cảm xúc ấy xuống. Một khi mình “sạch” thì đừng lo gì. Hãy sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người nghi ngờ hiểu cặn kẽ, dần tan biến hoài nghi.
Kiểm tra lại xem, khi kết thúc đợt vận động, quyên góp, mình đã công khai, rõ ràng, đầy đủ về thông tin đóng góp của nhà hảo tâm chưa. Nền tảng mạng xã hội hiện rất thuận tiện cho việc công khai này, nếu không làm là lỗi do mình. Tiếp đó, nếu có thể, hãy cho đại diện nhà hảo tâm cùng về tận nơi có thiên tai, dịch bệnh… để trao tiền, quà. Đây là cách tốt nhất để nhà hảo tâm giám sát xem số tiền mà họ đã tin tưởng gửi gắm “chảy” đến đúng chỗ hay không?. Cái hay của cách làm này là một khi cùng đi làm từ thiện, chính các nhà hảo tâm sẽ tận mắt thấy, tận tai nghe, để từ thực tế đó, họ tiếp tục tranh thủ kêu gọi từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp… cùng chung tay.
Làm từ thiện, liên quan đến tiền nong của nhiều người thì phải có ý thức lưu trữ đầy đủ các chứng từ liên quan. Ai có nhu cầu giám sát, đối chiếu, hãy tạo điều kiện cho họ. Cần nêu rõ tiêu chí nhận quà để bà con thụ hưởng tự giám sát với nhau, qua đó còn giám sát sự minh bạch của chính quyền khi lọc ra danh sách. Với nỗ lực minh bạch hoá bằng nhiều cách giám sát chéo của từng công đoạn như thế, tôi dám chắc mọi sự hoài nghi đều nhanh chóng tan biến. Tôi nghĩ, một quy trình tốt, thực tâm luôn là điều rất cần thiết khi làm từ thiện bởi chỉ có điều đó mới nuôi dưỡng được sự minh bạch. Và chỉ có sự minh bạch thì lòng tốt mới được lan toả bền vững.
Dõi theo cộng đồng mạng những ngày qua, tôi thấy có luồng ý kiến rằng, nghệ sỹ do không sinh ra để làm từ thiện, nên không thể yêu cầu họ phải đạt mức độ chuyên nghiệp. Tôi lại không nghĩ như vậy. Nếu không chuyên nghiệp thì nghệ sỹ chỉ nên lấy tiền túi của bản thân và có thể thêm vài bạn bè thân thiết để làm. Còn một khi đã lên mạng xã hội kêu gọi, mở hẳn tài khoản, cho người theo dõi việc tiếp nhận tiền, rất nhiều tiền của người khác (và thực tế nhiều nghệ sỹ đã nhận hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng chỉ trong thời gian rất ngắn) thì không thể nói là không chuyên nghiệp.
Giúp người cũng tựa cứu người. Càng chuyên nghiệp thì càng đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì tin tưởng mà cộng đồng đã uỷ thác cho nghệ sỹ lớn đến như vậy. Và nếu đã nhận trách nhiệm “cầu nối” thì nghệ sỹ phải làm cho hết trách nhiệm của mình. Tự trọng chính là chỗ này – biết mình có thể làm gì và làm đến đâu.
“Đời người đối diện nhiều tòa án: Pháp luật, lương tâm và dư luận. Là người của công chúng tức là hưởng lợi ích từ sự nổi tiếng trong công chúng, tòa án dư luận là vô cùng quan trọng với nghệ sỹ, thế nên chứng minh bản thân trong sạch chính là vì lợi ích của chính các nghệ sỹ này. Không thể chỉ nhận lời tung hô mà từ chối câu hỏi hoài nghi. Đây cũng không phải chỉ là lời nói thoảng qua nữa, mà nó đã là một sự kiện xã hội được rất nhiều công chúng quan tâm. Phớt lờ nó không là giải pháp thông minh. Minh bạch không còn là yêu cầu pháp lý mà là nghĩa vụ đạo đức của những ai nhận tiền từ cộng đồng”.
Sáng nay, tôi đã bấm “like” sau khi đọc dòng trạng thái vừa kể trên facebook một người bạn khi anh viết như thế. Trong mọi hoàn cảnh, lúc bình thường hay khi nguy khó như hiện nay, lòng trắc ẩn tồn tại trong mỗi con người không cho phép mọi sự lợi dụng, lạm dụng, dù chỉ là nhỏ nhất. Tôi vẫn nặng niềm tin vào đạo đức và lương tri của tất cả những ai đã có hành động, nghĩa cử thể hiện sự thương cảm, chia sẻ, làm vơi bớt khó khăn của người khác là đồng bào mình. Đừng để cách kêu gọi tiền của cộng đồng làm từ thiện dễ dàng trở thành một… nghề. Ai vi phạm và tiếp sức cho điều đó, sẽ bị toà án lương tâm - thứ toà án thay thế và cao hơn mọi toà án khác, dành cho hình phạt nặng nề nhất.
Người xưa đã nói: Lương tâm là la bàn của con người. Hãy sống sao để lương tâm yên lặng. Không nhân chứng nào kinh khủng hơn và không kẻ lên án nào hùng mạnh hơn lương tâm bên trong chúng ta…
Thái Bình