Thị trường bán lẻ trong nước trong những tháng vừa qua cho thấy có nhiều tín hiệu hồi phục tốt và tăng trưởng mạnh trở lại sau khi bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Tình hình bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát và bắt đầu có xu hướng giảm sâu nhờ đó tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đang dần ổn định trở lại.
Đáng chú ý theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng vừa qua có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng lên.
Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 vừa qua đạt 455,5 nghìn tỉ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước đó và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 nghìn tỉ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương đánh giá tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng đầu năm nay có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng.
Trong đó, bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và riêng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng.
Tuy nhiên, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình trong cùng thời gian trên bị giảm lần lượt 3,5% và 4,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân theo Bộ Công Thương là do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài.
Thị trường hàng hóa tháng 4 không có biến động bất thường. Nhu cầu hàng hóa nhóm trang thiết bị đồ dùng gia đình, quần áo, giầy dép… tăng khi thời tiết đang chuyển dần sang mùa hè. Do có các dịp nghỉ lễ kéo dài (Giỗ tổ Hùng Vương, dịp lễ 30-4 và 1-5) cùng với nhiều chương trình kích cầu du lịch trong nước được triển khai nên nhu cầu du lịch, dịch vụ của người dân tăng lên đáng kể.
Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, tuy nhiên do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước như phân bón, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, thép xây dựng tăng so với tháng trước.
Giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng như xăng dầu tiếp tục được điều hành theo hướng bám sát diễn biến của giá thế giới nhưng hạn chế biên độ biến động để bình ổn thị trường trong nước, giá LPG trong tháng 4 cũng được điều chỉnh tăng theo giá thế giới.
Các nhà bán lẻ lớn cũng cho biết tình hình khách hàng quay trở lại mua sắm ngày càng tăng lên rõ rệt trong những tháng vừa qua. Đơn cử như chuỗi bán hàng của AEON Việt Nam, theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc, kinh tế Việt Nam đã dần hồi phục. Theo đó, hoạt động kinh doanh của AEON Việt Nam cũng cải thiện hơn khi số lượng khách hàng ghé trung tâm mua sắm tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước Covid-19. Ông kỳ vọng tình hình thị trường sẽ hồi phục bình thường trở lại như trước khi dịch bùng phát vào tháng 6 tới.
Với tốc độ tăng GDP được Chính phủ dự đoán vào khoảng 6-6,5% trong năm nay, AEON Việt Nam hy vọng sẽ lấy lại mức tăng trưởng của mình như trước Covid-19.
Tuy nhiên, thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên tâm lý và thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi. Số lượng khách hàng đã dần quay trở lại nhưng vẫn chưa đạt được ở ngưỡng như trước đây. Mặt khác, tần suất mua sắm của khách hàng giảm đi rất nhiều, tuy nhiên số lượng sản phẩm trên mỗi lần mua lại tăng lên.
Lượng khách hàng muốn mua sắm ở các địa điểm gần nhà cũng ngày càng lớn. Người tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt.
Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng và thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh.