Những ngày qua, thông tin về việc cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện Xí nghiệp Đèn ống (thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang) xả chất thải nguy hại chưa qua xử lý ra môi trường gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, phạt nặng để răn đe…
Theo cơ quan chức năng, ngày 22-23/4, lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai, Công an TP. Biên Hòa cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai khai quật các vị trí bên trong Xí nghiệp Đèn ống, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang.
Zing đưa tin, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại xí nghiệp này chứa hơn 42 tấn chất thải nguy hại, trong đó tại hầm bê tông bên trong xí nghiệp có gần 15 tấn, khu vực ngoài sân là hơn 27 tấn. Toàn bộ số chất thải nguy hại trên đã được giao cho một công ty chuyên xử lý chất thải ở Đồng Nai thu, gom xử lý.
Bước đầu, qua test nhanh nước thải, cơ quan chức năng xác định độ PH vượt 7 lần cho phép. Được biết, trong vỏ bóng đèn thải có chứa thủy ngân và lưu huỳnh nên rất độc hại nếu không được xử lý theo quy định.
Liên quan đến sự việc trên, theo Kinh tế Việt Nam thì, hiện tại cơ quan chức năng xác định, Xí nghiệp Đèn ống, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã vi phạm các lỗi như: không thu gom chất thải để xử lý theo quy định; tự xử lý các loại chất thải không được đăng ký trong các thủ tục được cơ quan chức năng cho phép; chôn lấp các loại chất thải nguy hại trái quy định tại khuôn viên của công ty. Phòng Cảnh sát môi trường đã lập biên bản kiểm tra và phối hợp cơ quan chức điều tra xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, lực lượng công an tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng mở rộng việc khai quật tại các vị trí nghi vấn khác bên trong xí nghiệp này để tiếp tục làm rõ.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm trách nhiệm bảo vệ môi trường là của mọi cá nhân, tổ chức và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Tại Điều 7, Chương I, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 (ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2014) quy định, nghiêm cấm các hành vi có thể gây nguy hại gồm cả chất thải rắn, lỏng, khí vào môi trường và làm ảnh hưởng tới môi trường. Như vậy, nếu đủ căn cứ xác định việc xả thải trên là trái phép và gây hậu quả nguy hại tới môi trường, tùy vào mức độ, tính chất, cá nhân/tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với xử phạt hành chính, theo Điều 4 Chương I Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì quy định, doanh nghiệp bị xác định có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng một trong hai hình phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hình thức phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức cho mỗi hành vi vi phạm.
Cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho đến khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan đến quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục.
Đối với xử phạt hình sự, theo quy định tại Điều 235 Chương XIX Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về "Tội gây ô nhiễm môi trường" nếu các doanh nghiệp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị phạt tiền, bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn…
Dù công tác điều tra tại xí nghiệp sản xuất bóng đèn thuộc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang vẫn đang tiếp tục thực thi, nhưng dư luận xã hội đã vô cùng lên án hành vi xả thải trực tiếp chất độc hại không qua xử lý ra thẳng môi trường của đơn vị này, cần chế tài xử phạt thật nghiêm minh.