Vai trò chủ đạo của công nghệ kết nối kỹ thuật số xuất hiện đầu thế kỷ 21, đang gây ra sự thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống, đó là kỷ nguyên của thời đại kỹ thuật số. Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai này đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là “lao động tri thức”.
Đồng thời nguồn nhân lực qua đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp tại những thành phố sẽ bị tác động mạnh về di chuyển lao động, tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, góp phần gia tăng sự mất cân đối cung - cầu lao động. Đặc biệt là nguồn cung lao động có kỹ năng và trình độ cao. Dòng dịch chuyển lao động tri thức của các nước trong khu vực lúc này sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi phải có trình độ cao đối với thị trường lao động.
Áp lực đối với các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp và sinh viên, học viên càng lớn, khi chương trình đào tạo vừa đáp ứng tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nhất định, vừa đáp ứng tính liên ngành (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành), và các kỹ năng thực tế, hiện đại (khả năng suy nghĩ có hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành…).
Trong bối cảnh kiến thức công nghệ thay đổi hàng ngày, việc trang bị cách thức tự học và ý thức “học tập suốt đời” càng quan trọng hơn kiến thức của các chương trình đào tạo.
Chính vì thế, khi chọn nghề, để lựa chọn tối ưu nhất, học sinh và phụ huynh cần chọn được điểm giao thoa giữa các điều kiện về năng lực bản thân (thích gì, muốn gì, sở trường...), điều kiện về gia đình, địa lí, môi trường và nhu cầu xã hội.
Nhưng để thành công trong kỷ nguyên 4.0, các sinh viên tương lai cần trang bị hơn nữa cho mình những kỹ năng, kiến thức, ngoại ngữ, công nghệ và đặc biệt là những thái độ tích cực…
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra 12 đặc trưng cơ bản được xem như những tiêu chí để đánh giá con người hiện đại và quy chúng vào các nhóm phẩm chất là: mưu cầu biến đổi, trọng tri thức, tự tin và cởi mở.
Trong đó có những phẩm chất cụ thể như:
- Sẵn sàng tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng và những phương thức hành vi mới mẻ.
- Sẵn sàng tiếp thu những cải cách và những biến đổi xã hội.
- Có thái độ tôn trọng những cách suy nghĩ, nhìn nhận khác nhau mọi mặt.
- Tôn trọng tri thức, dốc hết khả năng thu nhận tri thức.
- Hiểu về sản xuất và quá trình sản xuất.
- Hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau.
Vì vậy, mỗi thanh niên trong thời kỳ hiện đại này cần xác định tinh thần “học tập suốt đời” và sẵn sàng thích nghi trong các bối cảnh mới, để có thể linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề. Bên canh đó, đối với học sinh, hãy nên chọn ngành phù hợp với đam mê, năng lực, tính cách nhưng không hướng vào một nghề cụ thể, mà hãy hướng vào lĩnh vực nghề nghiệp chung. Có như thế, sẽ tăng cơ hội thành công và giảm nguy cơ thất nghiệp…
Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế)